Lịch sử Thổ_Phồn

Hình thành và hưng thịnh

Tượng Vua Songtsän Gampo và Công chúa Văn Thành.

Thực ra cho đến giữa thế kỷ VII, Thổ Phồn không phải là một quốc gia thống nhất. Người có công thống nhất Thổ Phồn là Songtsän Gampo (Tùng Tán Càn Bố). Kinh đô của Thổ Phồn thống nhất ở vào vị trí thành phố Lhasa ngày nay.

Từ thế kỷ VIII, vương quốc này theo hẳn đạo Phật, nhờ chính sách đẩy mạnh phát triển Phật giáo Đại Thừa Ấn Độ của quốc vương Trisong Detsen (Xích Tùng Đức Tán).

Giữa nhà Đường và Thổ Phồn kể từ vương quốc này thành lập có quan hệ giao hảo. Songtsän Gampo đã lấy công chúa Văn Thành (文成公主) của nhà Đường (người phụ nữ này được mệnh danh là công chúa 和蕃 Hòa Phồn). Song từ sau loạn An Sử (756-763), Thổ Phồn chủ trương phát triển sức mạnh quân sự và đã từng thâm nhập kinh đô Trường An của nhà Đường (Tây An), chiếm cả vùng Thanh Hải ngày nay. Năm 821, Thổ Phồn và Đường lại hòa hoãn.

Diệt vong

Thổ Phồn và các nước xung quanh, thế kỷ XIThổ Phồn và các nước xung quanh, thế kỷ XII

Năm 828, quốc vương Ralpacan cho sưu tập kinh điển Phật giáo và dịch ra tiếng Tây Tạng. Đồng thời, Ralpacan ra quy định rằng cứ 7 hộ dân phải nuôi một tăng lữ. Điều này đã làm dấy lên sự bất mãn của nhân dân. Ngay trong nội bộ giới tăng lữ cũng có sự tranh cãi. Năm 841, Ralpacan bị những quần thần phản đối Phật giáo sát hại. Anh trai ông là Glang dar-ma lên làm quốc vương. Glang dar-ma dưới sức ép của các quần thần đã đàn áp Phật giáo. Năm 846, Glang dar-ma bị những người ủng hộ Phật giáo giết hại. Các con ông (những người cùng cha khác mẹ) và các quý tộc trở thành những thế lực cát cứ chia cắt đất nước.

Năm 851, các vùng đất chiếm của nhà Đường thời kỳ loạn An Sử bị nhà Đường lấy lại. Năm 877, những cuộc nổi loạn làm cho hoàng tộc thất tán. Thổ Phồn diệt vong. Dần dần, các vùng lãnh thổ của Thổ Phồn bị sáp nhập vào Trung Quốc. Đến thời nhà Nguyên, vùng đất của vương quốc Thổ Phồn xưa nằm dưới sự cai trị trực tiếp của triều đình Nguyên.